Trang Thời Sự


Thế Nào Là Quan Điểm
Của Adelaide Tuần Báo?


Tác giả: Kiều Tấn
Thể loại: Thời Sự

     Vừa qua, Nơi trang 4 của Adelaide TB số 735, phát hành ngày thứ năm 30/6/2016, có đăng bài Quan Điểm với tựa đề: Vai Trò Của Vị Toàn Quyền. Kỳ thực ra, nếu đã gọi là Quan Điểm (Point of  View)  thì hẳn nhiên chúng ta phải lấy nhận xét khách quan làm nền tảng để khởi điểm cho bình luận một sự kiện. Vì có như vậy thì chúng ta mới thoát khỏi những “Quan điểm” lệch lạc bị yếu tố cá nhân chi phối và dẫn dắt ý tưởng vào con đường tà ma ngoại đạo!
      Trở lại bài Quan Điểm trên Adelaide TB với nhan đề: Vai trò của vị toàn quyền. Trước khi đi vào phân tích bài viết của Adelaide TB, tôi xin sơ lược về đại ý của từ ngữ Quan Điểm:
* Quan Điểm là gì? Nghĩa đơn sơ và dể hiểu là: Điểm xuất phát quy định phương hướng suy nghĩ, cách xem xét và thấu hiểu các hiện tượng, các vấn đề trong phạm trù nhận thức sự kiện...
      Như vậy, theo như nội dung của bài Quan điểm trên Adelaide TB số phát hành 735, nó chỉ nhắm vào mục đích đặt vấn đề về vai trò của ông Lê Văn Hiếu trên cương vị toàn quyền tiểu bang Nam Úc, mà lại tháp tùng theo chuyến công du Việt Nam của phái đoàn chính phủ Jay Weatherill. Trong bài viết, Adelaide TB dẫn chứng và nhấn mạnh những vai trò thực thụ mang tính nghi lễ của vị toàn quyền... Nhưng bên cạnh đó, người viết quên rằng, vị toàn quyền còn có những chức năng chính yếu của vai trò Toàn quyền là bảo vệ Hiến pháp của Tiểu Bang, chẳng hạn như đảm bảo mọi dự luật do Quốc hội đề xuất và thông qua  yếu tố hợp Pháp, hợp Hiến trưóc khi dự luật được ký thuận và ban hành. Thêm nữa, toàn quyền còn có chức năng ký thuận việc bổ nhiệm tất cả các giới chức quan trọng trong guồng máy điều hành cuả toàn Tiểu bang và những công việc khác có tính chất phức tạp hơn, chẳng hạn như tranh chấp nội bộ của chính quyền. Đây là một trong những chức năng căn bản của văn phòng Toàn Quyền. Mặt khác, vai trò toàn quyền còn bao hàm những lãnh vực chuyên biệt cần phải am tường. Thông thường như những khía cạnh quan trọng của hiến pháp, luật pháp, chính trị, kinh tế, luật lệ điều hành cuả Quốc Hội, hệ thống hành chánh và tư pháp và các cơ quan trong guồng máy công quyền cũng như những cấu trúc và lề lối sinh hoạt trong xã hội. Ngoài ra vai trò này cũng đòi hỏi một số kiến thức và khả năng giao tiếp với mọi giới, khả năng lãnh đạo và ứng biến trước những tình huống xảy ra cả trong chính trường lẫn trong đời sống xã hội.
       Vì thế, để góp ý và phân tích vấn đề đặt ra trong bài viết của Adelaide TB, rằng: Chức vị toàn quyền không thể bị chính phủ ‘tận dụng’ đưa đi đọc diễn văn kêu gọi hợp tác, kiếm thêm lợi nhuận về cho tiểu bang.... Với nhận định nông cạn và mang tính đặc thù đố kỵ như đại ý câu nầy, tôi thiết nghĩ, Adelaide TB đã vội vàng xác định vai trò của ngài Lê Văn Hiếu quá thấp kém trong chuyến công du Việt Nam vừa qua: Chỉ là một sự tận dụng của chính phủ Jay Weatherill không hơn kém!!!. Để trả lời nhận thức nông cạn của Adelaide TB, chúng ta nên hiểu sâu xa về cơ cấu hệ thống chính phủ Úc, liên bang lẫn tiểu bang, có hai đảng song song điều hành quốc gia: Đảng cầm quyền và đảng đối lập. Vì vậy, một quốc gia theo cơ cấu Thủ Tướng Chế, vai trò của toàn quyền rất quan trọng trong dung hòa tranh chấp điều hành quốc gia và chính sách đối ngoại của hai đảng. Với quan điểm nầy, sự tháp tùng của toàn quyền Lê Văn Hiếu công du Việt Nam là thể hiện sự đồng tình của hai đảng trong đường lối ngoại giao của chính phủ Nam Úc với nhà nước csVN. Bởi vậy cho nên, chính phủ của Jay Weatherill không gặp phản ứng nào từ đảng đối lập hay bị chống đối của nhân dân Nam Úc, ngoại trừ một thiểu số nhỏ nhoi của sắc dân Việt Nam có thành kiến với chính sách ngoại giao của chính phủ cầm quyền!!!.
      Nếu Adelaide TB đặt quan điểm của chủ trương tờ báo chỉ nhắm vào khía cạnh nhạy cảm chính trị về chế độ csVN, thì ắt hẳn Adelaide TB đã bỏ quên sự quan trọng của viễn ảnh kinh tế khi mà nhà nước Việt Nam và Úc gia nhập vào hiệp ước TPP. Nhân điểm nầy, tôi nêu lên những trường hợp điển hình của chính phủ Hoa Kỳ đã bổ nhiệm nhiều sĩ quan người Mỹ gốc Việt trong quân đội đến Việt Nam huấn luyện kỹ thuật quốc phòng cho quân đội csVN... Chẳng hạn như vị đại tá tuỳ viên quân sự hiện nay của tòa đại sứ Hoa Kỳ tại VN, vị trung tá Hải quân hạm trưởng Lê Bá Hùng viếng thăm VN… Họ là người Mỹ gốc Việt, tỵ nạn cộng sản . Và như vậy, theo nhận xét của Adelaide TB, chính phủ Hoa Kỳ cũng “mất quan điểm” với cộng đồng Người Việt Tự Do ở Hoa Kỳ chăng.???
       Trở lại sự kiện ngài toàn quyền Lê Văn Hiếu tháp tùng theo phái đoàn chính phủ Jay Weatherill thăm và làm việc với nhà nước Việt Nam, nhìn ở góc độ chính trị, nhất là sự tiếp đón cấp quốc gia của chính phủ Việt Nam với ngài toàn quyền Lê Văn Hiếu, đã chứng tỏ cộng đồng người Việt Quốc Gia ở Úc Châu của chúng ta rất hảnh diện. Niềm hảnh diện nổi bật nhất là: Một người tỵ nạn cộng sản Việt Nam bây giờ trở về quê hương được nhà nước csVN đón tiếp trọng thể. Từ sự đón tiếp nầy, chính phủ Việt Nam đã thể hiện và nhận thức được sai lầm của chủ nghĩa cộng sản và họ ắt hẳn sẽ có thay đổi về chính sách và đường lối của đảng trong tương lai để phù hợp với hiện tình thế giới về khía cạnh Dân Chủ hóa toàn cầu. Và một khi Việt Nam gia nhập vào hiệp ước TPP: Một hiệp ước có tầm chiến lược, lấy kinh tế làm đòn bẩy để thúc đẩy cho nhà nước csVN thực thi Dân Chủ, Nhân Quyền... Và khi VN có nhân quyền, dân chủ thì chủ nghĩa Cộng Sản chắc chắn sẽ bị tiêu diệt.
     Thêm nữa, Adelaide TB nêu lên trong bài Quan Điểm về “căn tính” của người Úc gốc Việt. Thật ra quan điểm của Adelaide TB hơi có phần “cục bộ”“nông cạn” về căn cước tỵ nạn của người Việt Nam sẽ bị xóa mờ và bị triệt tiêu bởi đường lối ngoại giao của chính phủ Nam Úc nói riêng và của Úc Châu nói chung. Nhưng đây là một viễn ảnh không tránh khỏi bởi sự đào thải của đường lối đấu tranh Dân Chủ trên thế giới hiện nay: Ôn hòa và bất bạo động. Dựa trên đường lối nầy, tôi xin phân tích cụm từ mà Adelaide TB nêu lên trong bài quan điểm, trích đoạn như sau:
** Có lẽ chính phủ lao động tiểu bang không lượng định và quan tâm đến căn tính và tư cách tỵ nạn của CDNVTD tại đây chăng? Dù là thế, chúng ta không thể vì bất cứ lý do gì, mà đánh mất căn tính (Identity) của mình. Thực vậy, người Việt tự do đến Úc là vì lý do chính trị, vì chế độ phi nhân bản, phản dân tộc của Việt gian cs. Cho nên, dù bây giờ ai ai cũng trở thành công dân của quốc gia Úc, có bổn phận và trách nhiệm với quốc gia Úc nhưng cũng không ai ngăn cấm và bắt chúng ta phải từ bỏ và chà đạp căn tính của mình. Ngược lại, khi có cơ hộì, chúng ta cần bày tỏ căn tính ấy, bởi lẽ chúng ta được nhận vào nước Úc là vì chúng ta là người tỵ nạn cs.
       Trích đoạn trên đây trong bài Quan Điểm của Adelaide TB, đặt trọng tâm về từ ngữ “Tỵ nạn cộng sản” mới được chính phủ Úc chấp nhận cho định cư..v..v… Nhưng người tỵ nạn csVN phải nhận thức rằng: Nhập gia tùy tục. Chúng ta được chính phủ Úc cho định cư là bởi vì lòng nhân đạo của nhân dân Úc, chứ không phải vì một sự bắt buộc nào đó từ áp lực quốc tế. Vì vậy, người Việt tỵ nạn csVN luôn luôn phải nhận thức và tôn trọng hiến pháp hay chính sách của chính phủ Úc. Về điểm nầy, nguyên thủ tướng Úc bà Julia Gillard đã từng nói huỵch toẹt rằng: 
*** Đây là nước Úc, bạn xin vào sống ở xứ này và chúng tôi tiếp đón bạn, nhưng nếu bạn cảm thấy không hợp thì hãy tận dụng một trong những tự do lớn lao nhất của Úc: Quyền được rời khỏi nước Úc này...
       Tôi thiết nghĩ, câu nói của bà thủ tướng Úc Julia Gillard rất là thực tế để trả lời về quan điểm tỵ nạn của Adelaide TB nêu ra trong bài viết. Từ câu nói của vị cựu nguyên thủ quốc gia Úc, chúng ta ngẫm lại sự kiện ngài toàn quyền Lê Văn Hiếu tháp tùng với phái đoàn chính phủ Nam Úc công du Việt Nam vào ngày 01/6/2016, đây là việc làm chính đáng nhằm gia tăng giao thương giữa hai nước...  
      Về phần đấu tranh chống cộng sản VN chà đạp nhân quyền, Adelaide TB cũng nêu lên sự so sánh ông Lê Văn Hiếu nói chuyện với sinh viên trường đại học Nguyễn Tất Thành và cuộc biểu tình chống ô nhiểm môi trường ở VN do CĐNVTD/Nam Úc tổ chức. Thiết tưởng, sự so sánh nầy hoàn toàn vô lý và không thiết thực cho vai trò của một toàn quyền! Cho dù ông Lê Văn Hiếu không đi VN chăng nữa, ông cũng không thể tham dự cuộc biểu tình do CĐNVTD/NU tổ chức. Vì sao? Bởi lẽ chức vị của ông không cho phép!
       Trong công cuộc đấu tranh chống cộng của người Việt tỵ nạn, chúng ta thử hỏi, sau hơn 41 năm người tỵ nạn Việt Nam làm thân phận vong quốc, chúng ta cũng đã có nhiều tổ chức đấu tranh được thành lập để nhằm mục đích giải thể chế độ csVN, đấu tranh Dân Chủ và nhân quyền cho VN..v..v... Song le, chưa có một tổ chức đấu tranh nào của người Việt Quốc Gia trên thế giới làm nên một trang sử cận đại về công cuộc đấu tranh giải trừ chế độ độc tài csVN! Nếu có chăng, chỉ vài tổ chức mà lãnh tụ có lòng yêu nước chân chính như: Trần Văn Bá, Hoàng Cơ Minh… Nhưng tiếc thay! Tất cả bị tiêu diệt từ trong thai nghén khi thành lập tổ chức.!!! Bởi vì sao???? Câu trả lời thiết thực là: Người VN chúng ta ai cũng muốn là lãnh tụ.!  
        Trước khi kết thúc bài viết, tôi xin nhắc lại hai sự kiện không kém phần nổi bật về cái gọi là “quan điểm” của Adelaide TB như: Đăng quảng cáo cho Vietnam Airlines có hình chiếc máy bay mang cờ đỏ sao vàng phía sau đuôi và quảng cáo cho bộ phim Tracer trình chiếu ở rạp chiếu bóng Arndale, có nội dung ca ngợi sự phá án xã hội đen tài tình của chiến sĩ Công An Nhân Dân csVN. Hai sự kiện nầy đã xác định rỏ ràng QUAN ĐIỂM của Adelaide TB mang CĂN TÍNH tỵ nạn cộng sản của một cơ quan ngôn luận bị lệch lạc, "đổi màu" và giả dạng treo đầu Dê bán thịt Chó !!!
         Như vậy, nếu đem so sánh hai sự việc: Toàn quyền Lê Văn Hiếu đi VN để vận động hợp tác ngoại thương giữa hai chính phủ Việt-Úc và Adelaide TB đăng những quảng cáo tuyên truyền cho csVN... Hẳn nhiên, việc làm của ngài Lê Văn Hiếu trên cương vị toàn quyền, mang lại lợi ích kinh tế cho chính phủ và nhân dân Nam Úc. Còn việc Adelaide TB quảng cáo cho csVN chỉ mang lợi nhuận cho cá nhân Adelaide TB mà thôi và Adelaide TB còn để lộ chân tướng một cơ quan truyền thông tiếp tay cho csVN thi hành nghị quyết 36 về Văn Hóa Vận!!!

Cho nên người đời có câu châm ngôn: Hãy nhìn lại việc làm của mình trước khi phán xét việc làm người khác...

Adelaide 30/6/2016
Kiều Tấn
..